Thiết kế SMS Prinz Heinrich

Đạo luật Hải quân thứ hai của Đức thông qua vào năm 1900 cho phép sở hữu một lực lượng mười bốn tàu tuần dương bọc thép nhằm hoạt động tại các thuộc địa của Đức ở nước ngoài. Tuy nhiên, Hải quân Đức cũng đòi hỏi những tàu tuần dương để hoạt động cùng hạm đội, nên dự định thiết kế những con tàu đáp ứng được cả hai vai trò,[1] chủ yếu là do kinh phí bị giới hạn.[2] Chiếc đầu tiên ra đời theo Luật Hải quân 1900, Prinz Heinrich, là một phiên bản cải tiến của chiếc tàu tuần dương bọc thép dẫn trước Fürst Bismarck, trang bị ít pháo hơn và vỏ giáp mỏng hơn để đổi lấy tốc độ cao và giảm chi phí.[3] Thiết kế cũng mở đầu cho một xu hướng mới tập trung dàn hỏa lực hạng hai phía giữa tàu; trên chiếc Fürst Bismarck dàn pháo hạng hai được phân bố suốt chiều dài con tàu.[4] Mọi tàu tuần dương bọc thép tiếp theo đều là sự phát triển dựa trên Prinz Heinrich.[3] Prinz Heinrich được đặt lườn vào năm 1898 tại Xưởng tàu Đế chếKiel. Nó được hạ thủy vào ngày 22 tháng 3 năm 1900 và hoàn tất không đầy hai năm sau đó, vào ngày 11 tháng 3 năm 1902.[4] Chiếc tàu tuần dương mới đã làm tiêu tốn của Chính phủ Đế quốc Đức 16.588.000 Mác.[5]

Các đặc tính chung

Prinz Heinrich có chiều dài ở mực nước 124,9 mét (410 ft) và chiều dài chung là 126,5 m (415 ft); mạn thuyền rộng 19,6 m (64 ft) và mớn nước sâu 7,65 m (25,1 ft) phía trước và 8,07 m (26,5 ft) phía sau. Con tàu có trọng lượng choán nước 8.887 tấn (8.747 tấn Anh; 9.796 tấn thiếu) khi chế tạo, và lên đến 9.806 t (9.651 tấn Anh; 10.809 tấn thiếu) khi đầy tải chiến đấu. Lườn tàu được cấu trúc từ những khung thép ngang và dọc, bao gồm mười ba ngăn kín nước và một đáy kép chiếm 57% chiều dài con tàu. Hải quân Đức đánh giá nó như một tàu đi biển tốt, chuyển động nhẹ nhàng, nhưng có xu hướng lật nghiêng nặng khi bẻ lái. Nó có chiều cao khuynh tâm 0,73 m (2 ft 5 in).[5] Prinz Heinrich được vận hành bởi một thủy thủ đoàn bao gồm 35 sĩ quan và 532 thủy thủ, và trong giai đoạn nó đảm trách vai trò tàu chỉ huy thứ hai của Hải đội Tuần dương, thủy thủ đoàn tiêu chuẩn được bổ sung thêm chín sĩ quan và 44 thủy thủ. Nó mang theo một số xuồng nhỏ, bao gồm hai xuồng gác, một xuồng đổ bộ, một xuồng chèo, hai ca-nô, hai xuồng yawl và hai xuồng nhỏ.[6]

Hệ thống động lực

Hệ thống động lực của Prinz Heinrich bao gồm ba động cơ hơi nước bành trướng 4 xy-lanh. Trục động cơ giữa được nối với chân vị bốn cánh đường kính 4,28 m (14,0 ft), trong khi hai trục bên nối với chân vịt bốn cánh đường kính 4,65 mét (15,3 ft). Hơi nước đến các động cơ được cung cấp từ mười bốn nồi hơi Dürr do hãng Düsseldorf-Ratinger Röhrenkesselfabrik sản xuất, tạo ra áp lực cho đến 15 atmôtphe chuẩn (1.500 kPa). Hệ thống động lực này tạo ra công suất tối đa 15.000 mã lực chỉ (11.000 kW) và cho phép con tàu đạt được tốc độ tối đa 20 hải lý trên giờ (37 km/h; 23 mph); cho dù khi chạy thử máy nó đạt đến công suất 15.694 ihp (11.703 kW) nhưng tốc độ tối đa chỉ đạt 19,9 kn (36,9 km/h; 22,9 mph). Nó được thiết kế để mang theo 900 t (890 tấn Anh; 990 tấn thiếu) than, mặc dù các chỗ trống bổ sung trên tàu cho phép mang tối đa 1.590 t (1.560 tấn Anh; 1.750 tấn thiếu). Điều này cho phép nó có tầm hoạt động tối đa 2.290 hải lý (4.240 km; 2.640 dặm) ở tốc độ 18 kn (33 km/h; 21 mph), và lên đến 4.580 nmi (8.480 km; 5.270 dặm) nếu đi ở tốc độ đường trường 10 kn (19 km/h; 12 mph).[5]

Vũ khí

Prinz Heinrich được trang bị nhiều kiểu vũ khí khác nhau. Dàn pháo chính của nó bao gồm hai khẩu 24 cm (9,4 in) SK L/40 bắn nhanh đặt trên tháp pháo nòng đơn bố trí ở hai đầu của cấu trúc thượng tầng. Chúng được cung cấp 75 quả đạn pháo cho mỗi khẩu pháo, có thể hạ cho đến góc −4° và nâng tối đa cho đến góc 30°, cho phép có được tầm bắn tối đa 16.900 m (18.500 yd).[5] Các khẩu pháo bắn ra đạn pháo nặng 140 kg (310 lb) với lưu tốc đầu đạn 835 m/s (2.740 ft/s).[7] Một dàn pháo hạng hai gồm mười khẩu 15 cm (5,9 in) SK L/40 bắn nhanh bổ sung thêm cho dàn pháo chính. Sáu trong số chúng được đặt trong các tháp pháo ụ hai bên mạn phía giữa tàu, trong khi số còn lại đặt trong các tháp pháo trên lườn tàu cao hơn các tháp pháo ụ. Kiểu vũ khí này được cung cấp 120 quả đạn pháo cho mỗi khẩu;[8] đạn pháo nặng 40 kg (88 lb) và được bắn ra với lưu tốc đầu đạn 800 m/s (2.600 ft/s). Chúng có thể nâng tối đa cho đến góc 25°, cho phép đạt được tầm bắn tối đa 13.700 m (15.000 yd).[7]

Chiếc tàu tuần dương mang theo mười khẩu pháo 8,8 cm (3,5 in) SK L/30 bắn nhanh để phòng thủ chống lại tàu phóng lôi; mỗi khẩu được cung cấp 250 quả đạn pháo[5] nặng 7 kg (15 lb) và được bắn ra với lưu tốc đầu đạn 670 m/s (2.200 ft/s), cho phép bắn xa đến 7.300 m (8.000 yd) ở góc nâng tối đa 20°.[7] Prinz Heinrich ban đầu còn có bốn khẩu pháo tự động nhưng sau đó bị tháo dỡ. Con tàu còn được trang bị bốn ống phóng ngư lôi 45 cm (18 in),[5] được phân bố gồm một đặt trên bệ xoay phía đuôi tàu, một ống phóng ngầm dưới mực nước phía trước mũi và một ống phóng ngầm mỗi bên mạn tàu ngang với tháp pháo phía trước.[8]

Vỏ giáp

Prinz Heinrich được bảo vệ bởi vỏ giáp Krupp. Đai giáp của nó dày 100 milimét (3,9 in) ở phần giữa con tàu để bảo vệ hầm đạn, động cơ và các phần thiết yếu của con tàu. Độ dày của đai giáp giảm còn 80 mm (3,1 in) ra hai đầu, trong khi mũi và đuôi tàu hoàn toàn không có đai giáp. Toàn bộ chiều dài của đai giáp được lót thêm bên trong những tấm gỗ tếch với độ dày tương đương. Sàn tàu bọc thép dày 35–40 mm (1,4–1,6 in) và được nối với đai giáp bởi lớp giáp nghiêng dày 50 mm (2,0 in) phía mạn tàu.[5]

Tháp chỉ huy phía trước có các lớp giáp mặt hông dày 150 mm (5,9 in) và lớp vỏ giáp trên nóc dày 30 mm (1,2 in); tháp chỉ huy phía sau được bảo vệ kém hơn khi chỉ được che phủ các tấm thép dày 12 mm (0,47 in). Tháp pháo chính các các mặt hông dày 150 mm (5,9 in) và nóc dày30 mm (1,2 in); tháp pháo 15 cm có vỏ giáp dày 100 mm (3,9 in), trong khi các tháp pháo ụ được bảo vệ bởi các tấm chắn thép dày 70 mm (2,8 in). Bản thân ụ tháp pháo được bọc thép dày 100 mm (3,9 in).[5]